Banner top danh mục

Vì sao đàn ông như trẻ con, mãi chẳng chịu trưởng thành?

Admin
05/10/2020 10:31:00

Phụ nữ sống theo chuẩn mực của xã hội, nghĩ rằng đã là chuẩn mực, sao có thể sai? Nhưng mà sao họ vẫn không hạnh phúc? Vậy thì chuẩn mực đó quyết định điều gì?

Vào ngày cuối tuần, tôi đến quán phở quen thuộc trên đường Hàng Da để ăn sáng. Vẫn giữ thói quen khi còn nhỏ, tôi quan sát mọi người xung quanh. Một gia đình đã khiến tôi chú ý. Người mẹ đang mắng đứa con gái: "Con là chị, con phải nhường em, hơn nữa em là con trai nên em không cần phải làm những việc này, con là con gái con mới phải làm".

Cụ thể là việc gì thì tôi không rõ nhưng tôi chợt nhớ đến những bữa cơm, đặc biệt là những bữa cỗ mà tôi từng chứng kiến hoặc tham gia. Đàn ông ngồi rung đùi đợi đến giờ ăn cơm, bao giờ cơm nước xong xuôi cũng ưu tiên đàn ông ngồi xuống mâm trước, đàn bà con gái sẽ ăn sau. Ăn uống rồi, lại đợi các ông ngồi bàn chuyện lớn (lớn đến đâu thì tôi chịu, chỉ thấy các ông chém gió ác lắm), chán chê rồi lại phải mời các ông ra bàn xơi nước, cho phụ nữ chúng tôi còn dọn dẹp. Khung cảnh này hằn in trong tâm trí tôi từ khi tôi còn nhỏ xíu.

Tôi là cháu gái út trong gia đình, từ nhỏ rất được chiều. Mẹ tôi lấy bố tôi là người Hà Nội, ông nội tôi từng giữ chức vụ trưởng, cũng có chút chức sắc, nên mỗi lần về quê chị em tôi không phải làm gì. Ở quê, họ cho rằng trên thành phố sung sướng, không quen làm việc nặng nhọc cho nên chỉ cần về quê thôi cũng đã quý hóa lắm rồi. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường thấy mẹ và bà làm mọi thứ. Không phàn nàn, không kêu ca, chỉ cần bố tôi về nhà sớm. Thế là đủ.

 

(Ảnh: rawpixel)

 

Bà nội tôi là người khéo tay, bà nấu ăn ngon, mẹ tôi chăm chỉ chịu khó. Cả hai người đàn bà gần gũi nhất với tôi đều có sự cam chịu và hy sinh kỳ lạ. Họ không bao giờ cần đàn ông chia sẻ việc nhà với họ, họ chẳng đòi hỏi gì ngoài sự chung thủy và một tí ti của trách nhiệm. Họ có thể vừa đi làm, vừa chăm con, chăm cháu, vừa lo chu toàn việc nhà. Những người đàn ông chỉ ngồi rung đùi và chê bai, đòi hỏi. Thật may làm sao, hoàn cảnh gia đình lúc đó lại không tạo cho tôi thói quen đặt đàn ông lên cao hơn mình, hay còn gọi là trọng nam khinh nữ.

Sau này lấy chồng, chồng tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ chồng tôi sinh hai cô con gái, cố mãi mới được cậu con trai nên rất được chiều. Có lẽ anh cũng sẽ như bố tôi, như những người đàn ông khác, gia trưởng, độc đoán, và ích kỷ. Nếu như tôi cũng cam chịu và hy sinh.

Công việc của tôi tiếp xúc với nhiều phụ nữ, đa phần trong số họ là những người phụ nữ điển hình. Họ sống theo chuẩn mực của xã hội, nghĩ rằng đã là chuẩn mực, sao có thể sai? Nhưng mà sao họ vẫn không hạnh phúc? Vậy thì chuẩn mực đó quyết định điều gì?

Tôi chỉ nghĩ rằng, bối cảnh xã hội, gia đình và chính chúng ta đã khiến cho những người đàn ông chẳng bao giờ chịu lớn. Khi còn nhỏ thì mẹ lo, chị lo, lớn lên thì vợ lo. Họ mang tiếng là đàn ông, chỉ làm việc lớn, nhưng việc nhỏ còn chẳng xong thì nói chi việc lớn? Biến cố xảy ra, họ lập tức đổ lỗi, họ sai, họ cũng đổ lỗi, họ ngoại tình, lỗi cũng là tại chúng ta. "Tại em không quan tâm đến anh""Ở cạnh em, anh thấy không được thoải mái", "Em hay cằn nhằn và chì chiết" v.v... Ti tỉ lý do ngụy biện cho sự tham lam và ích kỷ.

Đôi lúc tôi tự hỏi, tất cả những tính xấu đó của đàn ông ở đâu mà ra? Tại sao những người đàn ông, dù đã nhiều tuổi, mãi không chịu trưởng thành? Một chút khó khăn trong công việc là họ về nhà cằn nhằn, cáu gắt với vợ con; nhiều khi cãi nhau với bồ, về nhà họ cũng trút sự bực bội lên vợ con; vì vợ mà phải bỏ bồ, họ cũng không thoải mái. Vì đâu mà những đứa trẻ mãi không chịu lớn?

Câu trả lời có lẽ khó chấp nhận nhưng nó là sự thật. Đó chính là vì sự nuông chiều của đàn bà, sự cam chịu vĩ đại của đàn bà, luôn nhận thiệt thòi về mình, coi đó là đức tính mà đã là đàn bà phải có. Đàn ông ghét những suy nghĩ này của tôi, vì những lý lẽ này mà rất nhiều người phụ nữ đã vùng lên, dám sống cuộc đời của chính mình, dám làm những gì mình thích, dám mơ ước và hết mình vì mơ ước ấy... Họ không còn co mình vào xó bếp, nấu cơm và mong ngóng đợi chồng về. Họ không còn úp mặt vào gối khóc mỗi đêm khi biết rằng chồng mình đang ôm ấp một người đàn bà khác. Họ dám buông bỏ, dám đặt xuống những thứ mà đối với họ, đã từng là tất cả.

Trong bữa ăn, họ luôn chọn cho mình thức ăn mà không ai đụng đũa, chấp nhận lời phàn nàn, chê bai của chồng con về một món ăn nấu dở tệ, họ mua quần áo cho chồng con trước, tần ngần trước một bộ cánh mới. Họ chẳng bao giờ dùng phụ kiện, quần áo mới còn đắn đo mãi nói gì đến một đôi bông tay, một chiếc thắt lưng điệu đà, mùi nước hoa phảng phất. Ôi, những người phụ nữ vĩ đại. Họ đã luôn sống một cuộc đời cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, cuộc đời không có điều tiếng, cuộc đời mà nhìn từ ngoài vào gia đình êm ấm biết bao. Nên các cụ ngày xưa mới có câu "Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận" là bởi lớp áo đẹp mà chúng ta khoác lên mình mỗi ngày.

Sự cam chịu, hy sinh tuyệt đối của chúng ta đã sinh ra thói vô tâm, tính ích kỷ của đàn ông, sinh ra những đứa trẻ chẳng bao giờ chịu lớn, nên bạn cứ đòi hỏi họ ăn năn, hối hận khi phạm sai lầm. Nhưng bạn thấy đấy đã là trẻ con thì mau quên lắm. Sau những lời xin lỗi, rồi họ sẽ thấy cơ bản họ chẳng có lỗi gì đáng kể, chỉ là bạn đang suy nghĩ quá lên mà thôi.

 

(Ảnh: pbs)

 

Tôi vẫn thường nói, sinh con gái thì cần phải dạy cho nó biết nâng cao giá trị bản thân, và trân trọng giá trị của mình, dạy cho nó biết cách ăn ngon, mặc đẹp, biết cách chăm sóc cho mình tốt nhất, dạy con trai thì phải nghiêm khắc, cứng rắn để sau này khi lập gia đình nó sẽ trở thành trụ cột, là chỗ dựa vững chắc cho người đàn bà mà nó lựa chọn.

Các bạn cố gắng sinh con trai vì tin rằng có con trai sẽ khẳng định vị thế của mình trong lòng chồng và gia đình chồng, rồi nuông chiều, coi nó như báu vật, rồi sau này khi nó làm tan nát trái tim người đàn bà đã hy sinh cả tuổi xuân cho nó, các bạn lại nói rằng "Thôi con ạ, cố gắng nín nhịn vì con cái, đàn ông chơi chán rồi sẽ lại về, đã là đàn bà thì phải khổ, không thể nào khác được" y như những gì bạn từng được nghe.

Chúng ta vẫn than vãn rằng, cánh đàn ông hệt như trẻ con, mãi chẳng chịu trưởng thành. Nhưng mà là vì đâu?

Nguồn: Chuyên gia tư vấn tâm lý Giang Đinh

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...