Banner top danh mục

“Greenwashing” – Khi giá trị thiên nhiên bị lợi dụng

Admin
13/08/2019 09:52:00

“Thiên nhiên” vốn là một khái niệm không có định nghĩa rõ ràng, nên cuối cùng, nó trở thành một “vũ khí” mới, được đem ra làm lá chắn để bán hàng.

Trong thời buổi loạn danh hiệu, loạn “người đẹp”, “hoa hậu”, loạn “nữ hoàng”, loạn “doanh nhân”, thì trong thị trường mỹ phẩm, cũng có hiện tượng loạn ‘’hữu cơ’’, loạn “thiên nhiên”, hình như hiếm có hãng mỹ phẩm nào muốn tự nhận mình không phải thiên nhiên. Đến mấy đồng chí ''trộn'' cũng muốn chen chân tự nhận mình là ''hoàn toàn thiên nhiên".

Xu hướng sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên ngày càng trở nên nở rộ trên khắp toàn cầu, khiến chúng ta tưởng chừng như có thể hạnh phúc vì trên các kệ hàng, đâu đâu cũng thấy “mỹ phẩm thiên nhiên”. Nhưng, như tui đã nhắc đến mấy lần rằng, “thiên nhiên” vốn là một khái niệm không có định nghĩa rõ ràng, nên cuối cùng, nó trở thành một “vũ khí” mới, được đem ra làm lá chắn để bán hàng.

Có lẽ vì vậy, các tín đồ mỹ phẩm khó tính hiện nay bắt đầu cảnh giác với trào lưu “greenwashing” trong mỹ phẩm rồi. 

 

(Ảnh: soyaragoddard)

 

“Green washing” có thể dịch nôm na là “nhuộm xanh”, hiểu một cách hình tượng là khoác lên cho sản phẩm một tấm áo thiên nhiên, rồi marketing sản phẩm theo hướng an toàn lành tính để khách hàng hiểu lầm.

Bạn có để ý thấy, giờ ra siêu thị, mấy bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm được quảng cáo là thiên nhiên: nước rửa chén thiên nhiên, nước xả vải thiên nhiên, nước giặt thiên nhiên…. nhưng chúng ta lấy đâu ra tiêu chí để khẳng định mấy sản phẩm đó thiên nhiên? 

Tui nhớ hoài trong một lần giặt quần áo, chỉ đổ một chút nước xả vải thiên nhiên vô máy giặt, bị đổ dính ra 2 ngón tay thôi, mà chùi rửa đã đời không hết mùi thơm, nấu cơm rửa chén, đánh răng rửa mặt xong hai ngón tay vẫn thơm mùi nước xả. Tui tự hỏi, có cái thứ "thiên nhiên" gì mà bám mùi đến ngưỡng mộ vậy chài? 

Chưa hết, một tiêu chí từng được coi “chắc như đinh đóng cột”, đó là “hữu cơ”, giờ đây cũng dễ dàng bị lợi dụng theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Ví dụ như, dầu gội chỉ chứa một thành phần là dầu dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, cũng được quảng cáo hô hào để khách hàng dần dần gọi tắt nó là “dầu gội hữu cơ”, mặc dù không biết cái “dầu dừa hữu cơ” đó chiếm bao nhiêu phần trăm trong công thức sản phẩm. 

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ biết, “Greenwashing” hiện là một vấn nạn toàn cầu, nhưng khách hàng ở thị trường châu Á lại là nhóm nạn nhân dễ bị tấn công hơn cả. Theo một nghiên cứu năm 2017, khoảng 62% người tiêu dùng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhu cầu mua mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ. Điều này khiến nhiều thương hiệu thực sự “ủ mưu” sử dụng các thông tin sai sự thật, dùng chiêu “bình mới rượu cũ” để đưa các sản phẩm gắn mác “thiên nhiên” vô thị trường này.

Và vậy là, rất có thể, bạn đang bị “móc túi”, mua một sản phẩm với giá cao hơn chỉ vì nó được quảng cáo là “thiên nhiên”, có thêm chút chiết xuất từ cây này lá nọ, có bao bì thiết kế nhìn xanh xao mướt rượt, dòm rất dịu êm lành tính. 

 

(Ảnh: bustle)

 

Ủa vậy phải làm sao để không bị dắt mũi? Cách duy nhất là phải tìm hiểu kỹ thương hiệu bạn sẽ dùng, và phải tự nâng cao kiến thức cho bản thân thôi mấy bạn, để biết được rằng nguyên liệu gì là tốt và không tốt cho bạn. Khi có chút hiểu biết về thành phần sản phẩm, bạn có thể đọc thông tin trên bao bì nhãn mác.

Bây giờ thì, giới sành mỹ phẩm hiện nay đã không còn chuộng khái niệm “natural” nữa rồi, mà bắt đầu chuyển qua một khái niệm mới là “clean beauty” - mỹ phẩm sạch. Những khách hàng theo khái niệm này họ sẽ tự đưa ra những tiêu chí xác định những thành phần nào là “không sạch”, và không được phép có mặt trên kệ mỹ phẩm của họ. Tiêu chí “không sạch” ở đây không chỉ bao gồm vấn đề không độc hại cho da, mà còn không được gây ra những ảnh hưởng có hại cho môi trường và xã hội.

Ví dụ, không sử dụng các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến rặng san hô dưới biển (nó có trong một số hoạt chất chống nắng), không sử dụng các thành phần mà quá trình khai thác nó có thể ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái (dầu cọ), không sử dụng các nguyên liệu mà quá trình khai thác nó bóc lột sức lao động của trẻ em (một số loại bột nhũ trong phấn trang điểm) v.v... 

Và cuối cùng, khi khách hàng thực sự đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn, thì các thương hiệu mới có động lực để hoạt động một cách minh bạch, phát triển những công thức thực sự có lợi với sức khỏe của người tiêu dùng. Đến những tập đoàn mỹ phẩm đa quốc gia cũng đang bị chất vấn đề “greenwashing”, vậy thì những thương hiệu địa phương càng phải cố gắng duy trì uy tín của mình bằng cách tự giác trong nỗ lực phục vụ cộng đồng.

Nguồn: Bam Bi

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...