Banner top danh mục

Bàn luận về tẩy tế bào chết

Admin
26/02/2019 11:08:00

Cái chủ đề này tui hứa với mấy bạn từ hồi Hè, mà giờ tới mùa Đông mới nhớ ra nè. Còn nhiều thứ tui đang viết dở dang từ năm trước, rồi bỏ đó đi chơi tới năm sau mới hoàn thành. Tội lỗi!

 

Năm sắp hết, Tết lại chuẩn bị đến. Thời điểm này là lúc kể cả những người làm biếng nhất, thích ở dơ nhất cũng phải tính đến việc dọn dẹp những cái xấu xấu bẩn bẩn đi để chuẩn bị sắm sửa đón những cái tươi mới về. Và chính vì vậy, trong lĩnh vực dưỡng da, chuyện Tẩy tế bào chết lại trở thành một đề tài được quan tâm nhất làng trên xóm dưới. (Tương truyền cuối tháng để xả xui, các chị em có thể mua một món mỹ phẩm tẩy tế bào chết để tổng vệ sinh da dẻ hy vọng sang tháng mới bớt chuyện mụn nhọt ám quẻ ảnh hưởng đến tướng số).

 

 

Hồi xưa, lúc dưỡng da chưa được coi trọng như bây giờ, nhiều người chẳng hiểu Tẩy tế bào chết là cái quái gì, nếu được mời chào mua “Tẩy tế bào chết cho mặt” không chừng còn nhảy dựng lên nói là “Mặt tôi làm gì có cái gì chết”. Nhưng tất nhiên đó là chuyện thời ‘’cổ đại’’ rồi. Giờ thì đứa con nít học tiểu học cũng được học rằng da dẻ chúng ta có tế bào chết, da thay mới mỗi ngày, và chính lớp tế bào chết đó khiến da xỉn màu, còn gây nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.
Tóm lại ngắn gọn là: Ai cũng cần tẩy tế bào chết, không có ai là ngoại lệ. Da dầu, da mụn càng phải tẩy tế bào chết thường xuyên. Da khô, da nhạy cảm cũng không thể né, chỉ có khác là tẩy tế bào chết thế nào cho nó dịu nhẹ hơn thôi. 

Tẩy tế bào chết nó có cái hay ở chỗ là không phải cứ sản phẩm có in đúng chữ “Tẩy tế bào chết” thì mới có chức năng tẩy tế bào chết. Công dụng đó nó còn ẩn hiện ở rất nhiều sản phẩm khác, ví dụ như mặt nạ, máy rửa mặt, thậm chí có ngay trong các loại kem dưỡng.

Nhìn chung thì có thể phân ra hai loại tẩy tế bào chết: theo cơ chế HÓA HỌC, hay CƠ HỌC. Nếu da khô và nhạy cảm thì nên chọn tẩy tế bào chết kiểu hóa học, còn nếu da dầu mụn thì nên kết hợp cả cơ học và hóa học, đặc biệt, nếu hợp với hóa học thì tốt. 

Nhắc đến tẩy tế bào chết hóa học thì kiểu gì các chị em cũng liên tưởng đến các loại gel mà kỳ kỳ lên mặt nó nổi lên một đống “ghét”, rồi gật gù “đó đó, mặt tui ra nhiều tế bào chết vầy nè”. Xin thưa, mấy cái đó chỉ được gọi là “da chết giả” thôi ạ, tức là chính chất gel của loại kem đó, lăn qua lăn lại bám dính với bụi bẩn trên mặt thì nó két lại trông như ghét vậy thôi.
Sản phẩm tẩy da chết mà có “da chết giả” thực ra chẳng có gì gây hại gì hết á, nó chỉ là một thủ pháp để tạo cảm giác thích thú hơn cho người dùng. Điều cần rút ra ở đây là, nếu bạn dùng các loại tẩy da chết hóa học kỳ mãi không ra ghét thì cũng đừng vội phán là nó chẳng có tác dụng gì. Thành phần tẩy da chết theo cơ chế hóa học tác động ở mức độ mà mắt thường không thể nhìn thấy được, nhưng hãy yên chí là da sẽ được làm sạch khá hiệu quả.

Với những người da khô, da nhạy cảm quá mức đến nỗi không dùng được BHA, có thể thử loại tẩy tế bào chết có thành phần hóa học là AHA – tức là acid chỉ làm sạch phía trên bề mặt da. 
Với da dầu mụn thì cần tẩy tế bào chết “nặng đô” hơn chút xíu, cả hóa học lẫn cơ học. Thành phần tẩy tế bào chết hóa học dành cho da dầu mụn sẽ tác động sâu hơn loại dành cho da khô, không phải AHA mà là BHA, hay còn có tên dài dòng là acid salicylic. BHA sẽ làm sạch hết bụi bẩn và tế bào chết bít tắc dưới lỗ chân lông, như vậy bã nhờn tiết ra sẽ cân bằng hơn, không hình thành mụn mà vẫn giữ được độ ẩm thiết yếu cho da căng mịn trong mùa đông. Trong mùa hè, người có da dầu mụn nên dùng tẩy tế bào chết có BHA khoảng 3 lần mỗi tuần, sang mùa đông thì có thể giảm còn 2 lần/tuần cũng được. (Quên nữa, phụ nữ có thai thì tốt nhất nên tránh thành phần này)

Giữa 2 lần tẩy tế bào chết hóa học này, hãy xen kẽ 1 lần tẩy tế bào chết dạng cơ học. Tẩy da chết dạng CƠ HỌC thì có lẽ đã quen thuộc rồi, nó là những hỗn hợp dạng hạt, ví dụ như đường, muối, các loại bột hơi thô, hoặc các loại sữa rửa mặt có hạt dịu nhẹ. Đến mùa đông, nếu sợ rát da, bạn dùng mặt nạ đất sét hoặc bùn khoáng thay thế hỗn hợp dạng hạt. Đất sét, bùn khoáng sẽ giúp hút sạch dầu thừa, tạo phản ứng từ tính để hút bụi bẩn từ dưới lỗ chân lông lên (giống như nam châm vậy đó), và khi rửa mặt nạ với nước, hãy tranh thủ massage để các hạt đất sét hay bùn khoáng góp phần làm sạch da chết bề mặt một lần nữa. 

Ghi chú thêm: Nếu da mụn ẩn, bị dày sừng, thì nên kết hợp hoá học và cơ học chung hoặc thậm chí là peel mới có hiệu quả cao.

Nghe thì có vẻ nhiêu khê phức tạp, nhưng thực ra chúng ta không phải dành quá nhiều thời gian tẩy da chết đâu mấy bạn. Chẳng có ai phải cực đoan đến mức tẩy tế bào chết hàng ngày. Điều quan trọng là chúng ta đi dần từ nhẹ đến mạnh: Với tẩy tế bào chết hóa học thì đi từ nồng độ thấp đến cao, với tẩy tế bào chết cơ học thì đi từ loại hạt mịn nhất và tỷ lệ loãng nhất, massage luôn phải dịu nhẹ không phải kỳ cọ khí thế đến mức đỏ rát hết cả mặt lên. Cứ căn chỉnh sao cho mỗi lần tẩy da chết xong, da phải mịn chứ không khô, không ngứa thì tức là đã làm chuẩn rồi đó. 

Mà đã gọi là “tổng vệ sinh”, thì đừng nghĩ là chỉ tẩy tế bào chết cho cái mặt tiền. Hãy nghĩ đến toànnnn thânnnnn, nhất là lưng, khuỷu tay, đầu gối, rồi bàn tay bàn chân chai sần cũng xứng đáng được tẩy tế bào chết kỹ càng ít nhất 1 lần trong tháng. Da toàn thân không nhạy cảm như da mặt, nên tẩy tế bào chết cũng dễ chiều lắm, đôi khi chỉ cần một chiếc bông tắm xơ mướp để massage cho sạch. Nếu da bị dày sừng nang lông thì có thể bạn nên tìm hiểu một số loại sữa dưỡng thể có chứa AHA để cải thiện tình hình. Quan trọng là sau khi tẩy tế bào chết thì phải thoa dưỡng ẩm cho toàn thân để da không bị khô mốc trong mùa lạnh. Nếu da không có vấn đề gì thì massage dầu dưỡng ẩm là được, hôm sau da sẽ căng mướt vô cùng đã (hông tin cứ hỏi ông chồng là biết).

Xem thêm tại đây.

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...