Mỹ phẩm là thứ không được bỏ quên, hãy sử dụng có ý thức
Admin
24/07/2019 09:41:00
Bạn dưỡng da bữa đực, bữa cái? Hãy coi chừng!
Khi xài mỹ phẩm, bạn chỉ mới quan tâm đến một nửa hạn sử dụng, có đúng không? Tui nghĩ trong số 10 người xài mỹ phẩm thì chắc cũng chiếm phân nửa số người không để ý lắm đến hạn sử dụng, đặc biệt là quy tắc dùng sau khi mở nắp sản phẩm.
Phụ nữ đi mua mỹ phẩm chắc chắn sẽ rất bực bội nếu bị bán cho món đồ cận date hoặc quá date mà về nhà mới biết. Mỹ phẩm cũng giống như thực phẩm vậy đó, khi quá hạn sử dụng sẽ có thể tạo ra nguy cơ dị ứng, ngộ độc, nhiễm trùng, hoặc nhẹ hơn thì sản phẩm mất tác dụng.
Hạn sử dụng ghi bằng ngày tháng năm, thường được mở đầu bằng ba chữ EXP, nghĩa là hạn sử dụng sau khi sản xuất, được tính toán bởi nhà sản xuất. Cũng có những thương hiệu không ghi rõ hạn EXP là ngày bao nhiêu, mà chỉ ghi là “18 tháng/2 năm/3 năm kể từ ngày sản xuất (NXS)”. Tất nhiên người tiêu dùng, với kiến thức cơ bản chắc chắn sẽ nắm được vấn đề tui vừa mới nói.
Nhưng cần phải đọc tiếp, hạn sử dụng được ghi bằng “ngày tháng năm” chưa phải đã đủ đâu mấy bạn. Còn một ký hiệu nữa mà bạn cần để ý trên vỏ hộp của một số hãng mỹ phẩm, đó là ký hiệu hình một chiếc hộp được mở nắp, với các chữ như “6M”, “12M”, “24M”... nó là ký hiệu về “Hạn sử dụng sau khi mở nắp” đó. Đây cũng là điều mà rất nhiều người không quan tâm, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mỹ phẩm. Những chữ này có nghĩa là “6 tháng”, “12 tháng” hoặc “24 tháng”. Ủa tại sao lại phát sinh thêm một cái hạn sử dụng nữa chi cho mắc mợt vậy?
Là vì, hạn sử dụng EXP mà nhà sản xuất đưa ra chỉ có ý nghĩa khi sản phẩm được đóng nắp kín hoàn toàn, không tiếp xúc với không khí và vi khuẩn. Khi bạn bắt đầu mở nắp một hũ kem hay một chai sữa rửa mặt, thì không khí, cũng như vi khuẩn từ chính đầu ngón tay của bạn sẽ bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và mức độ vệ sinh của mỹ phẩm bên trong (tay mà dơ nữa thì càng kinh dị). Với những sản phẩm dạng hũ, hoặc các loại mỹ phẩm không chứa nhiều chất bảo quản nồng độ cao, thì khả năng bị oxy hóa càng lẹ, do đó, hạn sử dụng sau khi mở nắp lại càng ngắn.
Nếu ai làm biếng mà đọc lướt lướt mấy chữ đầu dòng thì hiểu chết liền hén, cho nên, tui ví dụ dễ hơn, bạn có thể hiểu nôm na vầy nè: 1 hộp sữa tiệt trùng có hạn sử dụng tới 6 tháng sau khi sản xuất, để người ta có thể bày bán trong siêu thị, vận chuyển từ trang trại bò sữa miền Bắc vô tận tay người mua trong miền Nam. Nhưng sau khi đã mở nắp ra rồi thì hộp sữa đó cần phải uống hết liền trong ngày, chứ không phải uống nhấm nháp cho đến tận ngày cuối cùng của hạn sử dụng đâu nghen, ngộ độc chit luôn á.
Quay trở lại, mỹ phẩm của chúng ta cũng vậy. Một số sản phẩm có dạng tuýp, hoặc chai vòi nhấn chân không, hạn chế sự tiếp xúc của không khí và ngón tay người dùng với sản phẩm, thì HSD sau khi mở nắp có thể dài hơn một chút. Những sản phẩm tiếp xúc nhiều với da, nhất là son, thì càng nhanh bị oxy hóa, mất tác dụng, và nguy cơ nhiễm khuẩn cũng rất cao. Do đó, MỸ PHẨM LÀ THỨ KHÔNG THỂ ĐỂ DÀNH. Một câu thần chú đó nha . Nếu bạn bỏ bê những món mỹ phẩm của bạn quá lâu, hoặc xài tiết kiệm để nó “lâu hết”, thì thực ra bạn đang lãng phí sản phẩm khi nó đang ở trạng thái tốt nhất.
Mỹ phẩm cũ cũng nguy hiểm khác chi thực phẩm ôi thiu đâu. Rất nhiều người có thói quen mua quá trời thực phẩm, nấu một đống rồi ỷ lại vô cái tủ lạnh mà không biết rằng thức ăn không thể “trường tồn”, dinh dưỡng sẽ bị hao hụt trong quá trình bảo quản dai dẳng ấy. Mỹ phẩm cũng như vậy thôi hà, bạn cần biết rõ ngày cuối cùng mình cần quăng nó đi là ngày nào. Vậy nên, có một thói quen rất khoa học, bạn hãy làm theo, đó là, ngay sau khi mở nắp một sản phẩm, hãy dán một nhãn bằng băng dính y tế ghi rõ ngày tháng mở nắp, và ghi luôn HSD thực tế của sản phẩm, rồi, khỏi lo bị xài lố ngày! Thường thì HSD sau khi mở nắp luôn đến sớm hơn HSD sau khi sản xuất nha mấy bạn.
(Ảnh: theculturetrip)
Rồi, bây giờ thì bạn có giật mình nghĩ lại thói quen mua và tích trữ quá nhiều mỹ phẩm của mình chưa? Có hết hồn với sự làm biếng khi dưỡng da bữa đực bữa cái? Hãy điểm lại coi:
- Có bao nhiêu món dưỡng da của bạn đã quá hạn rồi?
- Bao nhiêu thỏi son bạn mua về mới quẹt thử mấy đường và yên chí để... qua năm xài tiếp?
- Có hũ kem nào hai tuần rồi mà bạn vẫn chưa bôi lại vì lười?
- Có chai dầu Gấc nào hơn chục ngày bạn chưa rớ tới nó?
- Xa hơn là liệu có chai dầu gội, dầu xả nào tới nửa năm bạn vẫn để nằm im?
Bạn biết không, với mỹ phẩm nói chung, khi 1 tuần, 2 tuần hay 2 tháng bạn bỏ quên nó, mặc dù nhìn nó có thể vẫn bình thường, mùi hương vẫn còn thơm tho, nhưng thực tế là nó đã bị oxi hóa, tệ hơn là đã biến chất, dòm bằng mắt thường không thấy được vi khuẩn đang sinh sôi, cho nên, nếu cảm thấy hũ kem của mình bị bỏ quên 2 tuần rồi thì quăng nó luôn đi. Ờ cũng tiếc thiệt đó, hũ kem mấy trăm nghìn, nhưng hãy cứ quăng đi cho an toàn, cũng là để lần sau nhớ mà xài cho có ý thức. Túm lại, mấy bạn cũng cần nhớ thêm câu thần chú nữa của tui: MỸ PHẨM LÀ THỨ KHÔNG ĐƯỢC BỎ QUÊN, HÃY SỬ DỤNG CÓ Ý THỨC.
Tốt nhất là với những sản phẩm bạn không sử dụng thường xuyên, hãy mua size nhỏ thôi để tránh lãng phí. Nếu bạn mua sẵn thêm vài hộp kem, mấy tuýp sữa rửa mặt tranh thủ lúc giảm giá, và dự định chừng nào xài hết kem dưỡng/sữa rửa mặt đang dở của mình thì mới lấy đồ mới ra xài, thì tốt nhất hãy cứ để nguyên tem niêm phong. Đừng xí xớn mở nắp ra dòm dòm liếc liếc, hít hít hửi hửi, bởi vì có thể tháng sau, khi lấy ra thì món đồ mới này đang bị oxi hóa mất rồi!
Nguồn: Bam Bi
Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?
Có nên dưỡng da bằng dầu hạt cải?
Dầu hạt cải là một trong những loại dầu quen thuộc nhất trong các căn bếp, nhưng liệu đây có phải là thành phần phù hợp để đưa lên da?
-
Hết Đau Rát Cổ Họng Trong 7 Ngày Với Hũ Thần Kỳ Này!
-
Son dưỡng có màu, khéo léo giao thoa giữa dưỡng chất từ thiên nhiên và sắc màu nữ tính