Banner top danh mục

Cần lưu ý gì khi trao đổi, mua bán mỹ phẩm đã qua sử dụng?

Admin
28/02/2020 14:22:00

Đôi khi rẻ lại thành đắt nên các tín đồ làm đẹp không nên bỏ qua những lưu ý nghiêm ngặt khi quyết định mua lại mỹ phẩm do người khác nhượng lại.

Ở nhà, mình "nổi tiếng" là người sạch sẽ trong ăn uống. Ở công ty, rất dễ nổi giận với những nhân viên làm sai quy trình "sạch sản phẩm" mà mình đã đề ra. Với cộng đồng, có lẽ vì mình kỹ càng quá nên khi thấy mọi người hay chia sẻ cho nhau những món mỹ phẩm đã xài rồi, mình thấy không yên tâm. Với quần áo, thời trang thì đồ second-hand còn có thể là một xu hướng, một phong cách, nhưng với mỹ phẩm thì rất nên hạn chế. Nhiều chị em cứ nghĩ rằng, mỹ phẩm mình mua về dùng không hợp thì nhượng lại, hoặc "share" cho người khác dùng, người ta mua được giá rẻ thì lại càng lợi cả đôi bên chứ sao. Nhưng mình nghĩ, mua mỹ phẩm đã qua sử dụng thì cần phải cẩn trọng.

Đôi khi rẻ lại thành đắt nên các tín đồ làm đẹp không nên bỏ qua những lưu ý nghiêm ngặt khi quyết định mua lại mỹ phẩm do người khác nhượng lại.

Bài viết dưới đây của mình có thể sẽ trái ý một bộ phận người thích "share mỹ phẩm", nhưng mình vẫn hy vọng nó sẽ hữu ích với những người chưa qua kinh nghiệm trong việc này. Mục đích cuối cùng vẫn là phải ĐẸP AN TOÀN.

 

(Ảnh: goodhousekeeping)

 

Những lưu ý khi nhận mỹ phẩm đã qua sử dụng

1. Đối với mỹ phẩm còn nguyên tem niêm phong

Trường hợp này thường là vì ai đó mua thừa, được tặng mà không dùng tới. Nghe thì có vẻ yên tâm, nhất là nếu hạn sử dụng còn tương đối dài. Nhưng bạn phải chú ý "điều tra" thêm về điều kiện bảo quản của sản phẩm.

Ví dụ, một chai serum chứa vitamin C tuy chưa bóc niêm phong nhưng bị chủ nhân để ở nơi có nhiệt độ cao như cốp xe, hay bỏ quên trong túi xách đi cà nhỏng cà nhảnh ngoài trời nắng mấy ngày, thì chất serum bên trong đã bị ''bốc hỏa'' mất rồi. Hoặc nếu người đó không am hiểu về mỹ phẩm mà vô tình "phơi" nó ngoài cửa sổ hắt ánh nắng thì chính ánh mặt trời đã thiêu đốt chất lượng bên trong sản phẩm

2. Có thể ưu tiên mỹ phẩm đựng trong tuýp, chai vòi nhấn, chai xịt v.v...

Các kiểu bao bì này nhìn chung là giúp giữ vệ sinh tốt hơn, mỹ phẩm bên trong không bị tiếp xúc trực tiếp với không khí và tay người dùng. Nếu quan tâm tới món mỹ phẩm "used" (đã qua sử dụng), bạn nên yêu cầu xem hình ảnh chụp để nhìn phần đầu vòi, đầu tuýp có được lau sạch sẽ không (nó thể hiện tính thẩm mỹ và còn phản ánh sự cẩn thận của người dùng trước).

Yêu cầu nữa là về hạn sử dụng. Cái này quan trọng, bình thường người nhượng lại sẽ nói món mỹ phẩm này có HSD đến ngày bao nhiêu, tính theo date in trên bao bì. Nhưng bạn là người mua lại, bạn bắt buộc phải hỏi là món mỹ phẩm này đã bị mở nắp từ hồi nào. Bởi HSD của mỹ phẩm còn tính theo thời gian mở nắp, ví dụ 3 tháng tính từ ngày mở nắp, bởi vì sau đó mỹ phẩm sẽ bị oxy hóa hoặc bị nhiễm khuẩn. Đừng chỉ nghe chung chung là mới dùng 1-2 lần. Nếu người bán mới dùng 1-2 lần nhưng họ bỏ xó tuýp kem từ tháng trước thì nó cũng không còn dùng được nữa.

 

(Ảnh: vietnamnet)

 

3. Tốt nhất không nên mua lại những món mỹ phẩm dạng đựng trong hũ/hộp, và các loại son môi, phấn mắt, phấn má v.v...

Cái này chắc không cần phải đoán nữa đâu, chắc chắn là vì lý do vệ sinh. Kể cả hũ kem đó có kèm sẵn thìa xúc kem cho vệ sinh nhưng làm sao bạn có thể chắc chắn rằng chủ cũ của nó chưa lần nào tiện tay thò nguyên cái ngón tay vô quệt kem chứ? Chưa kể cái hũ mở ra mở vào là cũng dễ bị oxy hóa hơn chai dạng vòi nhấn.

Các loại mỹ phẩm trang điểm thanh lý vì "đã dùng vài lần nhưng không hợp" là rất phổ biến, nhưng bạn cứ thử nghĩ, đến đứa bạn thân của mình mà có khi mình còn chẳng dám quệt chung hũ kem với nó thì mua son "used" từ một người lạ, dù họ mới chỉ quẹt quẹt lên môi vài đường cơ bản cũng có thể là nguyên nhân lây bệnh da liễu (giời leo, chốc mép, lở mồm long móng v.v...).

Có thể mình tưởng tượng hơi quá nhưng mấy bạn kỹ lưỡng cũng không thừa mà. Với các loại phấn trang điểm cũng vậy luôn, có thể họ dùng cọ của riêng họ, bạn dùng cọ của riêng bạn, nhưng hộp phấn đó đã bị tiếp xúc với tế bào chết của chủ cũ rồi. Nếu da bạn thuộc ''da trâu", bạn dùng phấn má, phấn highlight đã qua sử dụng thì còn tạm chấp nhận được. Nhưng tốt nhất đừng liều với phấn bôi vùng mắt!

Trong trường hợp bạn quá bị quyến rũ bởi một thỏi son, hộp phấn thanh lý có giá quá "ngon", mà đồ có vẻ mới 99%, xin hãy làm các thao tác vệ sinh tối thiểu sau đây:

- Dùng cồn 90 độ xịt khử trùng lên đầu thỏi son, bề mặt khay phấn, đầu vòi.

- Nếu khay phấn có kèm cọ/ bông mút trang điểm thì phải giặt lại, nhúng qua cồn và phơi khô (mua được miếng mút mới càng tốt).

- Với son thì dùng dao lam (đã lau qua cồn 90 độ) cắt bớt đầu son khoảng 1mm để đảm bảo bạn không gián tiếp "môi kề môi" với chủ cũ. Áp dụng này chỉ cứu vớt được cho son thỏi, còn dạng son kem, son bóng với đầu cọ rút ra rút vào thì thôi, đừng có mua.

- Mascara, bút kẻ mắt dạng nước cũng nên tuyệt đối tránh xa. Với chì kẻ lông mày thì gọt bỏ đầu chì cũ đi.

 

(Ảnh: freuding)

 

4. Phải thật khó tính khi mua chung mỹ phẩm về “share” cho nhau

Điều này phát sinh khi không phải hãng mỹ phẩm nào cũng bán mẫu thử size nhỏ để bạn dùng trước xem có hợp hay không. Các chị em rủ nhau mua chung một chai to rồi về chia ra thành nhiều hộp nhỏ cho nhau dùng thử là một sáng kiến rất thông minh. Nhưng chính quá trình chiết mỹ phẩm này cũng có thể khiến mỹ phẩm bị nhiễm khuẩn, oxy hóa nếu thực hiện không cẩn thận. Dụng cụ, đồ chứa phải được tiệt trùng, đặc biệt phải lau khô không để sót lại giọt nước nào. Nếu bạn không tin tưởng rằng người “share” có đủ sự tỉ mỉ, cẩn thận như thế này, tốt nhất là không mua.

Các gợi ý trên mình nghĩ nó cần thiết nhưng cũng vẫn hên xui. Nếu là mình, để yên tâm nhất, mình không bao giờ mua lại mỹ phẩm đã qua sử dụng.

Nguồn: Bam Bi

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Cận cảnh hướng dẫn cách bôi dặm lại kem chống nắng

  • Trang điểm Tone Hồng Đất cho vẻ ngây thơ quyến rũ

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...