Banner top danh mục

Kem chống nắng có tác động đến các rạn san hô?

Admin
25/10/2021 10:18:00

Hiểu nôm na thì chúng ta bôi lên da cái gì, thì khi bơi lội, một phần nó cũng sẽ trôi theo nước biển và có tác động đến các sinh vật sống dưới đó.

Không biết chừng nào mới lại được đi biển nữa, nhưng trong lúc này chúng ta tranh thủ tìm hiểu thứ liên quan đến biển đi ha, biết đâu một ngày đẹp trời không xa chúng ta có mặt ở Hawaii. 

Có 3 từ khóa “chống nắng”, “Hawaii” và “san hô” là chúng ta sẽ nhớ về một câu chuyện như vầy: Bang Hawaii của Mỹ đã chính thức cấm lưu hành các loại kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate, vì các thành phần này có ảnh hưởng tiêu cực đến các rạn san hô. Từ sau vụ việc này, các tín đồ dưỡng da và yêu môi trường bắt đầu quan tâm hơn đến ảnh hưởng của kem chống nắng đến san hô nói riêng, và của mỹ phẩm đến môi trường nói chung. Ngoài Hawaii, các khu vực khác cũng đang xem xét cấm các thành phần tương tự trong kem chống nắng và mỹ phẩm.

Oxybenzone và octinoxate là hai thành phần chống nắng theo cơ chế hóa học. Chúng không có hại cho làn da và sức khỏe con người, và cũng không bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta cũng có đường bờ biển dài, cũng có những thiên đường du lịch sở hữu những rạn san hô tuyệt đẹp, điển hình là Phú Quốc. Vì vậy, chị em yêu cái đẹp và yêu thiên nhiên có lẽ cũng nên tìm hiểu và cân nhắc vấn đề này, đúng hông nè? 

 

(Ảnh: allure) 


Người văn minh đi biển không bẻ san hô, không mua bán đồ lưu niệm và trang sức từ san hô, vậy thì có lẽ nên cân nhắc khi làm đẹp theo hình thức “chống nắng phá hủy san hô”, mấy bạn thấy sao?

Muốn “đẹp vì môi trường” e chừng cũng phức tạp, vì không chỉ có hai cái chất nói trên là có thể ảnh hưởng đến san hô. Một loạt các hoạt chất chống nắng khác - hóa học cũng có mà vật lý cũng có - đều có tiềm năng gây hại đến môi trường sống của loài sinh vật tuyệt đẹp này. Ví dụ, kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide và kẽm oxide thông thường không ảnh hưởng đến san hô, nhưng nếu hai chất này được điều chế ở dạng nano, siêu mịn siêu nhỏ thì lại không được coi là thân thiện với san hô nữa. Khổ ghê nơi, nó phải điều chế ở dạng nano là để giảm độ trắng của kem chống nắng vật lý. Thôi ráng bớt bớt sự khắt khe về khoản này.

Hiểu nôm na thì chúng ta bôi lên da cái gì, thì khi bơi lội, một phần nó cũng sẽ trôi theo nước biển và có tác động đến các sinh vật sống dưới đó. Dù kem chống nắng mấy bạn bôi có công thức “trâu bò” siêu lỳ siêu bám chống thấm nước tới đâu, thì nó vẫn sẽ có một phần tan vô nước.

Nghe thì có vẻ “chẳng thấm vào đâu”, nhưng người ta đã tính toán là mỗi năm có khoảng 14 nghìn TẤN kem chống nắng đọng lại trong nước biển, và những khu vực san hô đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở khu vực của Hawaii và vùng biển Ca-ri-bê.

Chúng ảnh hưởng như thế nào?

- Các hóa chất này có thể làm biến dạng, tẩy màu, thậm chí giết chết san hô.

- Chúng còn ảnh hưởng đến sự phát triển và quang hợp của tảo biển, làm giảm quá trình sinh sản của cá và đến nỗi gây dị dạng các sinh vật biển khác.

Nghe đến đây chỉ muốn quăng tuýp kem chống nắng đi luôn. Nhưng đi biển mà không bôi kem chống nắng thì thôi ở nhà luôn cho lành. Mà thêm vấn đề nữa chắc hiếm ai để ý, đó là, không đi biển, chỉ bôi kem chống nắng ở nhà thôi, thì khi tẩy trang tắm rửa, kem chống nắng đi theo đường thoát nước cũng có thể sẽ bị xả ra biển. Cho nên, kể cả đi biển mà không xuống biển, chỉ ở trên bờ rồi về khách sạn tắm, nó cũng có nguy cơ xả ra biển.

Chẳng nhẽ giờ ra tiệm mỹ phẩm mua kem chống nắng lại hỏi em nhân viên là “Em ơi bán cho chị loại nào mà không tẩy màu san hô và đột biến tôm tép” hả? Mấy em bán hàng chắc cầm bật lửa đốt vía mình. Không có cách nào khác, chị em chúng ta lại phải tự tìm hiểu và cầm theo cái kính lúp để soi bảng thành phần kem chống nắng với nhau mà thôi!

 

(Ảnh: freepik)

 

Các thành phần đã được xác định là gây hại cho sinh vật biển, ngoài oxybenzone và octinoxate như đã bị cấm ở Hawaii, còn có một số chất sau:

- Octocrylene
- Benzophenone-1 và -8
- PABA
- 4-methylbenzylidene camphor (tên khác ngắn hơn là enzacamene)
- 3-benzylidene camphor
- Và như đã nói ở trên, titanium dioxide và kẽm oxide trong kem chống nắng vật lý nếu ở dạng nano thì cũng chỉ nên xài khi đi rừng núi chứ đừng để đi biển.

Nếu mà soi hết đống thành phần kể trên (chưa kể nó còn nhiều cách viết khác mà mình không nhận ra) thì rối loạn tiền đình chắc luôn. Cho nên hy vọng Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại Việt Nam sớm có những nghiên cứu và kết luận nghiêm túc về vấn đề này, từ đó ra văn bản hướng dẫn cụ thể và các thương hiệu mỹ phẩm sẽ biết đường mà tránh đưa các thành phần chống nắng gây hại cho môi trường vô sản phẩm. Có như vậy thì chị em ta chỉ việc bôi kem chống nắng và xinh đẹp thôi, đỡ rối loạn tiền đình! 

Nguồn: Thu Lành Nguyễn 

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...