Banner top danh mục

Bạn dùng mỹ phẩm theo "chủ nghĩa" nào?

Admin
25/06/2020 08:53:00

Ngành mỹ phẩm là ngành đi đầu trong việc làm đẹp cho con người, nhưng trong nhiều năm qua, chính ngành mỹ phẩm này cũng là ngành đi đầu trong việc... làm xấu đi môi trường và sức khỏe của nhân loại!

Để nhanh đến giai đoạn MÀU XANH CỦA MỸ PHẨM THẾ HỆ MỚI lên ngôi, thì những thương hiệu mỹ phẩm hiện đại phải quyết tâm đem đến những giá trị văn minh hơn, và điều họ phải làm là quyết tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, làm sao để không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, không những vây, họ còn phải quyết tâm cải thiện cả chuỗi sản xuất của mình, để bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất.

 

(Ảnh: kosmeticaworld)

 

Vì vậy mà trào lưu làm đẹp "xanh" hiện nay không chỉ dừng lại ở màu xanh lá cây (green beauty), mà còn phát triển tới màu xanh da trời (blue beauty). Nếu bạn đã từng quen với khái niệm green beauty thì chắc bạn đã biết sơ sơ rằng đây là xu hướng sử dụng các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên, giúp hạn chế đưa hóa chất vào cơ thể. Còn xu hướng blue beauty được khởi xướng bởi một số tổ chức và doanh nghiệp, hướng tới bảo vệ hành tinh xanh, hạn chế tạo ra hóa chất độc hại và rác thải nhựa từ ngành mỹ phẩm ra môi trường.

Đúng như sắc màu đặc trưng của nó, xu hướng này tập trung vào bảo vệ môi trường biển. Một trong những động thái tiêu biểu nhất của phong trào này là việc bang Hawaii của Mỹ đã chính thức cấm lưu hành các loại kem chống nắng chứa oxybenzone và octinoxate. Hai hoạt chất chống nắng này nếu được thoa lên da rồi tan xuống nước biển có thể tác động như chất tẩy đến các rạn san hô. Rất nhiều nước đã cấm sử dụng các hạt vi nhựa trong các sản phẩm tẩy tế bào chết, vì nếu đi theo nguồn nước thải ra biển, các hạt vi nhựa này sẽ lẫn vào thức ăn của các sinh vật biển. Các loại tôm cá không tiêu hóa được hạt vi nhựa này, chúng tồn tại trong nội tạng của hải sản, và rồi hải sản đó lại... quay lại bàn ăn của con người. 

Cho nên, dù bạn có đi theo chủ nghĩa "Tất cả vì tương lai con em chúng ta, mặc kệ con em chúng nó", thì rất có thể mấy bạn lại phải gánh lấy những hậu quả từ thói quen sử dụng mỹ phẩm kém văn minh của chính mình.

Phong trào blue beauty kêu gọi cộng đồng yêu làm đẹp phải có ý thức hơn và quan tâm rộng hơn đến từng sản phẩm mà mình sử dụng. Đừng chỉ nghĩ đến việc thoa mỹ phẩm lên da thì có gây hại cho bạn hay không, mà còn phải nghĩ đến lúc bạn rửa nó đi rồi thì có hại cho môi trường hay không. Mấy bạn nghĩ sao nếu con cháu mình sau này phải sống trong một hành tinh ngập rác từ gia tài mỹ phẩm của... cụ bà đẹp lão nhà tụi nó?

 

(Ảnh: amanaskincare)

 

Không phải tự nhiên mà nhiều hãng mỹ phẩm chấp nhận bỏ nhiều chi phí hơn để tìm những nguyên liệu sạch, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón gây hại đến môi trường nước và đất. Các nhà máy sản xuất mỹ phẩm cũng không được sản xuất ra khói thải gây ô nhiễm không khí, càng không thể thải ra nguồn nước đầu độc sông suối. Và mối liên kết quan trọng nhất giữa mỗi món mỹ phẩm và môi trường chính là ở bao bì của nó: Nhựa!

Có thể kể ra hàng loạt hãng mỹ phẩm quyết tâm giảm thiểu nhựa trong bao bì. Họ ưu tiên sử dụng bao bì bằng vỏ thủy tinh, vỏ nhôm thiếc, hoặc các loại giấy bìa tái chế. Những hãng "lập dị" như Lush thậm chí còn tiên phong với xu hướng mỹ phẩm "trần truồng", không có bất cứ bao bì gì. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm đã bắt đầu ứng dụng màng nilon sinh học tan ngay trong nước để sản xuất những gói dầu gội, sữa tắm mini dùng khi đi du lịch. Một số hãng khác vẫn sử dụng bao bì nhựa, nhưng họ có chương trình thu gom bao bì cũ, ép thành những hạt nhựa nhỏ để tái chế, đúc khuôn lại thành những bao bì mới.

Tất nhiên, những cải tiến về bao bì, giảm thiểu rác thải nhựa đa phần mới chỉ là động thái của các thương hiệu mỹ phẩm lớn nước ngoài, vì mức đầu tư cho nó vô cùng tốn kém, thương hiệu nhỏ lẻ ở Việt Nam bơi không có nổi!

Tuy nhiên, chính bản thân người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể giảm tác động xấu đến môi trường kể cả khi mấy bạn vẫn đang dùng mỹ phẩm vỏ nhựa. Đơn giản như bạn có thể mua các gói refill để đổ vào các chai lọ mỹ phẩm cũ, thay vì mua cả chai mới, hay bạn mua một hũ kem 100ml thay vì 2 hũ 50ml thì đã giúp giảm rác thải nhựa rồi. Khi ra cửa hàng mua mỹ phẩm, nếu không thực sự cần túi nylon, bạn có thể chỉ nhận lọ sản phẩm của bạn rồi bỏ luôn vào trong túi xách của mình. Nếu mua mỹ phẩm qua mạng, có thể ưu tiên những nơi bọc hàng bằng giấy chống sốc, thay vì nylon chống sốc. Và cuối cùng, khi đã dùng hết sản phẩm, hãy phân loại rác nhựa chứ đừng quăng thẳng vào thùng rác hỗn tạo thức ăn thừa, để chúng có thể dễ dàng được đưa đến nơi tái chế.

Nguồn: Bam Bi

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...