Banner top danh mục

Hãy luôn niệm thần chú "con cần mẹ dạy, không cần mẹ đánh"

CTV
24/10/2022 14:11:00

Người lớn mắng rồi sẽ quên, nhưng những tác động lên con là còn mãi.

Mắng con là việc dễ nhất mà cũng là việc khó nhất. Chỉ cần con làm sai, làm không vừa ý thì hàng loạt câu từ có thể văng ra như:

- Sao ngu thế hả? Có vậy mà học hoài không biết?
- Thứ gì nói không biết nghe?
- Mày giống ai mà lì vậy hả?
- Đồ hư đốn.
- Thứ ích kỷ... 

Dễ không? Quá dễ để nói. Quá nhiều câu có thể dùng để xả cái sự tức giận, bực mình và hơn cả là sự bất lực của người lớn. Những câu như thế này hay hành động mắng con là sự "lười" suy nghĩ của não bộ và bộc phát theo cảm xúc nhất thời. Người lớn mắng rồi sẽ quên, nhưng những tác động lên con là còn mãi - chỉ là không thể thấy bằng mắt nên bị xem nhẹ "đứa nào chả bị mắng".

 

(Ảnh: retailnewsfromasia) 

 

Não bộ có từng vùng chức năng riêng, vùng xử lý logic, vùng xử lý cảm xúc, cũng như vùng điều hòa áp lực và các trạng thái cảm xúc được gửi đến. Khi trẻ bị mắng, bị đánh, vùng não này sẽ nhận được các tín hiệu cảm xúc tiêu cực và lập tức được kích thích để điều hòa đồng thời não cũng ghi nhớ những cảm xúc tiêu cực này. Quá trình này tạo nên áp lực cho cả cơ thể trẻ và các vùng não khác, làm chúng bị "đóng băng".

Trẻ sẽ mất đi khả năng nhận định đúng sai, phân tích logic, hay lắng nghe, từ đó cũng không biết sửa như nào. Hãy thử tưởng tượng bản thân chúng ta - một người lớn với lí trí độc lập và kinh nghiệm sống - lúc bị cha mẹ mắng, bị sếp mắng, lúc bị ai đó đánh... cũng khó mà suy nghĩ thấu đáo được huống gì một đứa trẻ.

Việc đánh, mắng trẻ, nghiêm trọng hơn là bạo hành, giống như một cơn địa chấn ập vào não trẻ, gây tổn thương, đứt gãy những kết nối tế bào thần kinh trong não. Đây là những khiếm khuyết theo trẻ suốt cả cuộc đời. Có những người lúc nhỏ bị bố mẹ bạo hành hoặc sống trong gia đình có sự bạo hành diễn ra, họ vẫn lớn lên bình thường. Nhưng khi lập gia đình họ có xu hướng hành động giống như chính cha mẹ đã từng đối xử với họ. Có bao giờ bạn mắng con xong phát hiện ra câu nói đó, hành động đó giống y hệt như mẹ mình đã từng không? Trong tâm lý học gọi bằng thuật ngữ "Identification with the aggressor" - Làm y hệt hành vi của kẻ đã công kích mình.

 

(Ảnh: 500px)

 

Vậy làm sao giờ?

1. Bình tĩnh và ghi nhận quá trình con làm thay vì chỉ nhìn vào kết quả. 

2. Hướng dẫn con làm như thế nào cho đúng

"Con cần mẹ dạy, con không cần mẹ đánh" - luôn niệm câu thần chú này trong đầu. Mà thật ra khi bạn đã hiểu được bản chất vấn đề, bạn hiểu rằng con sẽ bị tổn thương vĩnh viễn, thì tự giác bản thân sẽ không thể nổi cơn với con được. 

Ví như hôm trước sau bữa ăn, con mình lăng xăng phụ mẹ dọn. Con cầm chén nước mắm lên đưa cho mẹ bỏ vào bồn rửa và con làm đổ cả chén vào người, bay mùi hôi um lên. Mà mình cực kỳ ghét mùi nước mắm, mình không thể ăn món này vì mùi của nó). Con nhìn cái chén đổ rồi lại nhìn mẹ. Mình trấn an con: "Lỡ đổ rùi không sao con, không sao hết". Sau đó mình nhặt cái chén lên: "Con cầm như này thì sẽ không bị đổ, mai mốt con phụ mẹ thì con cầm như này nè". Mình bảo con ngửi tay xem - hôi quá hôi, mình hỏi con có đụng tay vào nước mắm không. "Hong đụng, đụng là tay nó bị hôi á mẹ Trúc" - ẻm nói.

Mình đã làm hai việc: một là ghi nhận sự cố gắng/quá trình của con là giúp mẹ dọn chén; hai là hướng dẫn con cách làm đúng thay vì nổi cơn lên với con và không đạt được kết quả gì cả.

Nếu chẳng có cố gắng gì mà chỉ là làm sai thì cũng chẳng có sao cả, mẹ hãy chỉ cho con thế nào là làm đúng. Con mới chỉ là một đứa trẻ thôi. 

Nguồn: Thanh Truc Nguyen - Group Tự tin Đẹp không cần hoàn hảo 

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...