Banner top danh mục

Những cách cấp đông thực phẩm bạn nên biết để yên tâm đi qua những ngày giãn cách xã hội

Admin
07/08/2021 09:27:00

Đùng một cái chỉ thị 16, mình lại lóc cóc ôn lại bài trữ đông thực phẩm.

 

Trong tủ nhà bạn có gì?  Trước đây mình mắc bệnh...sợ thiếu, nấu nướng lúc nào cũng phải mâm cao cỗ đầy, nhất là khi nhà có khách. Nhưng giờ cũng đỡ rồi, mình tập được cách đơn giản hơn trong việc ăn uống, nấu chỉ vừa đủ ăn, thậm chí hơi thiếu chút cũng được ăn ngon vừa đủ để nhớ lâu, không có đồ ăn thừa sau bữa ăn. Giờ đây ăn ít mà ngon, chất lượng còn hơn ăn nhiều rồi thừa thãi, nấu lượng vừa đủ để thưởng thức được cả món tráng miệng nữa.

Mình cũng cất tủ đông lâu rồi, không trữ đông. Tủ lạnh thì chỉ dùng để làm đá, đựng nước và hoa quả, rau xanh. Các bộ hộp dùng để trữ đông cũng đã cho, tặng hết từ lâu. Giờ thì mình có thể sắp xếp công việc, chia quỹ thời gian hạn hẹp trong ngày đủ để dư ra 15-20 phút chạy qua chợ hoặc siêu thị mua đồ ăn tươi mới mỗi ngày. Dù trước đây để làm được điều này thật khó... Đùng một cái chỉ thị 16, mình lại lóc cóc ôn lại bài trữ đông thực phẩm.

 

Một chút gọi là “dự trữ lương thực thực phẩm” những ngày không ra đường.
Cố gắng hết sức tìm kiếm những chiếc hộp còn sót lại. Từ ngày dành thời gian ra đi chợ mỗi ngày, những bộ hộp xưa đầu tư mình cho mất tiêu!!! (Ảnh do người viết bài cung cấp)

Bữa cơm 4 người nhà mình gồm sườn kho, trứng ốp, rau muống luộc, tráng miệng cam và việt quất (Ảnh do người viết bài cung cấp)

 

- Đầu tiên, chia đủ lượng mỗi bữa ăn

Điều này giúp mình nấu nướng khoa học hơn, không thừa không thiếu. Không phải rã đông cả tảng, lấy ra một phần rồi cấp đông lại dẫn đến mất chất, mất ngon. Chia từng bữa cất tủ trông cũng rất gọn gàng nữa.

 

- Cấp đông tôm

Mẹo cấp đông tôm theo kiểu các bà các mẹ dân biển quê mình đó là: Tôm rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt bớt râu ria. Hoà chút muối với nước lọc rồi đổ nước cao hơn phần tôm, để nước muối loãng ôm trọn con tôm. Mình sẽ cấp đông cả khay “nước tôm” đó. Khi rã đông tôm vẫn rắn thịt, tươi ngon. Pha nước muối loãng thôi nhé ạ, mặn quá là ướp mặn cả tôm luôn đó.

 

- Cấp đông thịt cá

Mình thường lau khô từng miếng thịt, cá, bọc một lớp túi nilon sinh học sao cho bọc kín thịt, hạn chế không khí lọt vào nhiều nhất có thể. Sau đó cho từng miếng đã bọc vào hộp to đậy kín nắp. Điều này cũng giúp mình lấy thịt ra chế biến dễ dàng, ko bị dính vào nhau. Cấp đông ở nhiệt độ -18 độ C.

 

- Cấp đông hải sản có vỏ

Mình là con gái miền biển nên hay nấu canh các món ngao, sò, hàu, thiếp... túm lại là các con có vỏ. Mình sẽ bổ lấy nhân, vứt vỏ, khi bổ hứng cả nước từ con vật tiết ra, chia khay rồi cấp đông nhân cùng nước đó luôn, sẽ tươi ngon khá lâu. Nhiều lần mình thử cấp đông ngao cả vỏ nhưng khi ăn bị khô quắt và vị biến đổi, cấp đông cả vỏ lại rất tốn diện tích nữa.

 

Bữa cơm 4 người nhà mình gồm chả nem, canh nước hầm gà, tôm rim dầu hào, nộm dưa chuột, tráng miệng nho (Ảnh do người viết bài cung cấp)

Bữa cơm 4 người nhà mình gồm thịt kho trứng cút cho em bé, thịt om đậu sa tế cay, lạc rang muối, rau muống luộc (Ảnh do người viết bài cung cấp)

 

- Cấp đông rau

Mình ít khi cấp đông rau vì rau xanh mình bọc kín để ngăn mát tủ lạnh thấy tươi được khá lâu, có loại rau để được cả tuần vẫn ngon. Ưu tiên các loại củ, quả để tủ mát được rất lâu, các loại măng đóng gói sẵn, dưa muối sẵn hút chân không, kim chi... để thoải mái cho đến khi hết giãn cách.

Mọi người cùng chia sẻ thêm mẹo vặt, kinh nghiệm để chúng mình cùng nhau “sống vui” qua đợt dịch bệnh lần này nhé! Chúc cả nhà bình an và mạnh khoẻ!

Nguồn: Hà Thị Quỳnh Anh - Group Bí kíp bảo quản, chế biến thực phẩm mùa dịch 

Bình luận

Bạn cần Đăng nhập để thực hiện bình luận


Loading...

Bạn có thắc mắc muốn chia sẻ ?

Video clip làm đẹp
  • Gầu là hệ quả của những nguyên nhân bất ngờ

  • Cục mụn khó ưa - Hay nổi mụn quá phải làm sao?

Thương hiệu uy tín

 

Đang x lý...